THUỐC DÙNG CHO BỆNH GÌ:
- Thuốc này được dùng để điều trị nhiễm virus Herpes simplex ở da, niêm mạc bao gồm Herpes sinh dục lần đầu và tái phát (trừ trường hợp nhiễm HSV ở trẻ sơ sinh và nhiễm HSV nặng ở trẻ em suy giảm miễn dịch).
- Thuốc này được dùng để phòng ngừa tái phát virus Herpes simplex ở bệnh nhân có hệ miễn dịch bình thường.
- Thuốc này được dùng để dự phòng nhiễm virus Herpes simplex ở bệnh nhân suy giảm miễn dịch.
- Thuốc này được dùng để điều trị nhiễm Herpes zoster (Zona) và varicella (thủy đậu).
THÀNH PHẦN, HÀM LƯỢNG CỦA THUỐC: Mỗi viên nén chứa:
Acyclovir ………………………..... 200mg
Tá dược vừa đủ…………...……… 1 viên
(Tá dược: Microcrystalline cellulose, Lactose monohydrat, Natri Starch Glycolat, Povidon K30, Magnesi Stearat, Talc)
KHI NÀO KHÔNG NÊN DÙNG THUỐC NÀY:
Những người mẫn cảm với acyclovir, valacyclovir hoặc với bất cứ thành phần tá dược nào của thuốc không nên dùng thuốc này.
TÁC DỤNG KHÔNG MONG MUỐN:
Cũng như các thuốc khác, Acyclovir có thể gây ra một số tác dụng phụ, tuy nhiên không phải tất cả mọi người dùng thuốc đều gặp phải tác dụng phụ.
Nếu bạn gặp bất kỳ tác dụng phụ nào, kể cả những tác dụng phụ chưa được nêu dưới đây, hãy thông báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ.
Các loại tần suất liên quan đến các tác dụng phụ dưới đây là ước tính. Trong hầu hết các trường hợp, dữ liệu thích hợp để đánh giá tỷ lệ mắc phải là không có sẵn. Hơn nữa, tỷ lệ mắc phải của các tác dụng phụ có thể thay đổi phụ thuộc vào chỉ định.
Quy ước dưới đây được sử dụng để phân loại các tác dụng phụ theo tần suất gặp:
Rất phổ biến (≥ 1/10), thường gặp( ≥1 / 100 và <1/10), ít gặp (≥1 / 1000 và <1/100), hiếm gặp (≥1 / 10.000 và <1 / 1.000), rất hiếm gặp (<1 / 10.000), chưa biết ( không thể dự đoán từ các dữ liệu đang có).
Rối loạn máu và hệ bạch huyết: Rất hiếm gặp: Thiếu máu, giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu
Rối loạn hệ miễn dịch: Hiếm gặp: Sốc phản vệ
Rối loạn hệ thần kinh và tâm thần:
- Thường gặp: đau đầu, chóng mặt
- Rất hiếm gặp: Các phản ứng thần kinh có hồi phục bao gồm: kích động, bối rối, run, mất điều hòa, loạn vận ngôn, ảo giác, các triệu chứng loạn thần kinh, co giật, ngủ gà, bệnh não, hôn mê và khó chịu.
Các triệu chứng trên thường là có hồi phục và được báo cáo ở bệnh nhân dùng liều cao acyclovir (thường là tiêm tĩnh mạch) suy thận hoặc có các yếu tố ảnh hưởng khác. Acyclovir cần được dùng thận trọng ở những bệnh nhân có bất thường về thần kinh cơ.
Rối loạn hô hấp, lồng ngực và trung thất: Hiếm gặp: khó thở
Rối loạn tiêu hóa: Thường gặp: Buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau bụng
Rối loạn ở gan:
- Hiếm gặp: tăng bilirubin và men gan có hồi phục
- Rất hiếm gặp: viêm gan, vàng da
Rối loạn ở da và các mô dưới da:
- Thường gặp: Ngứa, phát ban (bao gồm nhạy cảm với ánh sáng)
- Ít gặp: mày đay, tăng tốc độ rụng tóc lan tỏa.
Tăng tốc độ rụng tóc lan tỏa có liên quan với một loạt các quá trình bệnh và thuốc; sự liên quan của tác dụng phụ này và việc điều trị bằng acyclovir là không chắc chắn
- Hiếm gặp: phù mạch, hồng ban đa dạng, hội chứng Stevens Johnson, hoại tử biểu bì gây độc.
Rối loạn thận, tiết niệu:
- Hiếm gặp: Tăng urê và creatinin máu.
- Rất hiếm gặp: Suy thận cấp, đau thận.
Đau thận có thể được kết hợp với suy thận.
- Chưa biết đến: Suy thận.
Suy thận là thường hồi phục nhưng có thể tiến triển đến suy thận cấp.
Rối loạn chung: Thường gặp: Sốt, mệt mỏi
TÁC DỤNG KHÔNG MONG MUỐN KHI LÁI XE VÀ VẬN HÀNH MÁY MÓC:
Đường dùng của acyclovir có thể có liên quan đến tác dụng phụ như buồn ngủ, ngủ gà (thường gặp ở bệnh nhân dùng liều cao hoặc suy giảm chức năng thận), bạn nên chắc chắn rằng bạn không bị ảnh hưởng bởi các tác dụng phụ này trước khi lái xe hoặc vận hành máy móc.
Hiện vẫn chưa có nghiên cứu để đánh giá ảnh hưởng của acyclovir lên khả năng lái xe và vận hành máy móc. Hơn nữa, tác dụng phụ lên các hoạt động này không thể dự đoán được dựa vào tính chất dược lý của hoạt chất.
NÊN TRÁNH DÙNG NHỮNG THUỐC HOẶC THỰC PHẨM GÌ KHI ĐANG SỬ DỤNG THUỐC NÀY:
Nói với bác sĩ hoặc dược sĩ những thuốc bạn đang dùng hoặc vừa dùng xong, bao gồm cả thuốc được kê đơn hoặc không kê đơn, thuốc đông dược.
Đặc biệt là các thuốc sau:
- Probenecid (thuốc điều trị gút) và cimetidin (thuốc điều trị loét dạ dày), các thuốc này làm tăng nồng độ của Acyclovir trong máu.
- Mycophenolat mofetil (thuốc dùng cho các bệnh nhân ghép tạng): Làm tăng nồng độ trong máu của acyclovir.
- Ciclosporin (thuốc ức chế miễn dịch), bác sĩ có thể cần theo dõi chức năng thận của bạn khi dùng đồng thời acyclovir với ciclosporin.
- Zidovudin (thuốc điều trị HIV), dùng đồng thời zidovudin và acyclovir có thể gây trạng thái ngủ lịm và lơ mơ.
- Theophyllin (thuốc điều trị hen suyễn), Acyclovir có thể làm tăng nồng độ theophyllin trong huyết thanh.
CẦN LÀM GÌ KHI MỘT LẦN QUÊN KHÔNG DÙNG THUỐC:
Khi bạn một lần quên dùng thuốc, không được uống liều gấp đôi. Hãy uống thuốc ngay khi bạn nhớ ra và tiếp tục dùng liều tiếp theo đúng với thời gian như chỉ định.
CẦN BẢO QUẢN THUỐC NÀY NHƯ THẾ NÀO: Bảo quản nơi khô, nhiệt độ dưới 30°C.
Không dùng thuốc đã hết hạn sử dụng ghi trên vỉ và hộp thuốc.
NHỮNG DẤU HIỆU VÀ TRIỆU CHỨNG KHI DÙNG THUỐC QUÁ LIỀU:
Nếu bạn dùng quá liều acyclovir đã chỉ định, có thể gặp các triệu chứng bao gồm tác dụng phụ trên đường tiêu hóa (như buồn nôn và nôn) và ảnh hưởng trên thần kinh (đau đầu và rối loạn chức năng).
CẦN LÀM GÌ KHI DÙNG QUÁ LIỀU KHUYẾN CÁO:
Bạn cần thông báo ngay với bác sĩ hoặc dược sĩ khi dùng quá liều khuyến cáo.
Bác sĩ cần theo dõi sát các dấu hiệu ngộ độc và có biện pháp xử trí thích hợp. Thẩm phân máu có thể loại bỏ đáng kể acyclovir từ máu và do đó có thể điều trị các triệu chứng quá liều
NHỮNG ĐIỀU CẦN THẬN TRỌNG KHI DÙNG THUỐC NÀY:
- Nếu bạn là người cao tuổi, bị suy thận hoặc khả năng hấp thu kém hãy nói với bác sĩ của bạn trước khi bắt đầu điều trị với acyclovir.
- Nên uống nhiều nước khi dùng acyclovir liều cao (4g/ ngày), để tránh nguy cơ gây độc với thận.
- Thuốc có chứa tá dược lactose, hãy nói với bác sĩ nếu có tiền sử không dung nạp galactose, thiếu hụt men lactase hoặc kém hấp thu glucose - galactose, hoặc bị đái tháo đường.
Phụ nữ có thai và cho con bú:
Không có những nghiên cứu đầy đủ và có kiểm soát trên phụ nữ có thai. Nếu bạn đang mang thai hoặc đang cho con bú, hỏi ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ của bạn trước khi dùng Acyclovir.
KHI NÀO CẦN THAM VẤN BÁC SĨ HOẶC DƯỢC SĨ:
- Hãy hỏi ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ khi bạn có bất kỳ thắc mắc hay nghi ngại gì về sản phẩm.
- Thông báo cho bác sỹ hoặc dược sĩ những tác dụng không mong muốn gặp phải khi sử dụng thuốc.
- Thông báo cho bác sĩ nếu bạn dùng thuốc quá liều khuyến cáo
- Nếu cần thêm thông tin xin hỏi ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ.
NÊN DÙNG THUỐC NÀY NHƯ THẾ NÀO VÀ LIỀU LƯỢNG:
Luôn dùng thuốc theo sự chỉ định của bác sĩ của bạn. Nếu có điều gì không chắc chắn, nên hỏi lại bác sĩ hoặc dược sĩ.
Việc điều trị bằng acyclovir phải được bắt đầu càng sớm càng tốt khi có dấu hiệu và triệu chứng của bệnh.
Thuốc dùng đường uống, nuốt viên thuốc với nhiều nước, nếu bạn gặp khó khăn trong việc nuốt có thể nghiền viên thuốc vào cốc nước (ít nhất 50ml), khuấy đều và uống.
Liều dùng của thuốc như sau:
• Điều trị Herpes simplex tiên phát, bao gồm cả Herpes sinh dục:
- Người lớn: 200 mg x 5 lần/ngày (thường mỗi 4 giờ khi thức giấc) trong khoảng 5 đến 10 ngày.
- Những bệnh nhân suy giảm miễn dịch trầm trọng hay những bệnh nhân kém hấp thu: 400 mg x 5 lần/ ngày trong khoảng 5 ngày.
- Trẻ em trên 2 tuổi: Bằng liều người lớn
- Trẻ em dưới 2 tuổi: Nửa liều người lớn
• Phòng ngừa tái phát Herpes simplex ở bệnh nhân có khả năng miễn dịch bình thường:
- Người lớn: 800 mg chia làm 2 đến 4 lần/ngày. Liệu pháp điều trị phải ngừng sau 6 đến 12 tháng để đánh giá kết quả.
- Trẻ em: Chưa có dữ liệu nghiên cứu về việc dùng Acyclovir để dự phòng tái phát Herpes simplex ở trẻ em có khả năng miễn dịch bình thường.
• Phòng bệnh Herpes simplex ở bệnh nhân suy giảm miễn dịch:
- Người lớn: 200 mg x 4 lần/ngày, khoảng cách dùng thuốc là 6 giờ.
- Một số bệnh nhân kém hấp thu hoặc bệnh nhân mới ghép tủy: Liều dùng có thể gấp đôi: 400mg x 4 lần/ngày, khoảng cách dùng thuốc là 6 giờ.
- Trẻ em trên 2 tuổi: Bằng liều người lớn
- Trẻ em dưới 2 tuổi: Nửa liều người lớn
• Điều trị bệnh thủy đậu:
- Người lớn: 800 mg x 5 lần/ngày trong khoảng 7 ngày, thời gian dùng thuốc cách nhau mỗi 4 giờ, bỏ qua khoảng thời gian ban đêm.
- Trẻ trên 2 tuổi: 20 mg/kg, tối đa 800 mg x 4 lần/ngày trong 5 ngày hoặc trẻ từ 2 - 5 tuổi: 400 mg x 4 lần/ngày.
- Trẻ > 6 tuổi: 800 mg x 4 lần/ngày.
- Trẻ dưới 2 tuổi: 200 mg x 4 lần/ngày
Thời gian điều trị thủy đậu ở trẻ em nên kéo dài trong 5 ngày.
• Điều trị zona:
- Người lớn: 800 mg x 5 lần/ngày có thể trong khoảng 7 ngày, thời gian dùng thuốc cách nhau mỗi 4 giờ, bỏ qua khoảng thời gian ban đêm.
- Trẻ em: Chưa có dữ liệu nghiên cứu về việc dùng Acyclovir để điều trị zona ở trẻ em có hệ miễn dịch bình thường.
• Liều dùng cho người già:
- Khả năng suy thận của người già cần được xem xét và điều chỉnh liều dựa vào độ thanh thải creatinin.
- Cần bổ sung nước đầy đủ cho bệnh nhân dùng Acyclovir với liều cao.
• Liều dùng cho người suy thận: nên giảm liều của acyclovir ở bệnh nhân suy thận tùy theo độ thanh thải creatinin (CC).
Chỉ định |
Liều thông thường |
Độ thanh thải creatinin
(ml/phút) |
Liều điều chỉnh |
Điều trị Herpes simplex |
200mg/lần, cách nhau 4 giờ/lần,
5 lần/ngày |
- >10
- ≤ 10 |
- Không cần điều chỉnh liều
- 200mg/lần cách nhau 12 giờ |
Phòng bệnh
Herpes simplex |
400mg/lần, cách nhau 12 giờ.
200mg - 400mg /lần,
cách nhau 4 giờ/lần, 4 lần/ ngày |
- >10
- ≤ 10 |
- Không cần điều chỉnh liều
- 200mg/lần cách nhau 12 giờ |
Điều trị thủy đậu, Zona |
800mg/lần, cách nhau 4 giờ/lần,
4-5 lần/ ngày |
- >25
- Từ 10 – 25
- ≤ 10 |
- Không cần điều chỉnh liều
- 800mg/lần cách nhau 8 giờ
- 800mg/lần, cách nhau 12 giờ |